Thời kỳ Tổng Giám mục Hà Nội (1960 – 1978) Giuse Maria Trịnh Như Khuê

Chức vị Tổng Giám mục

Năm 1960, cùng với sự thành lập Hàng giáo phẩm Việt Nam, Giám mục Trịnh Như Khuê trở thành Tổng Giám mục Tiên khởi của Tổng giáo phận Hà Nội.[49] Chưa đầy 3 năm sau, ngày 2 tháng 6 năm 1963, Tổng Giám mục Trịnh Như Khuê bất ngờ phong chức Tổng Giám mục phó với quyền kế vị cho linh mục Giuse Maria Trịnh Văn Căn. Lý do được đưa ra theo thông cáo của tòa Tổng Giám mục Hà Nội ngày 3 tháng 6 năm 1963 là:[50]

Sự truyền chức cho Giám mục Phó, Đức Tổng Giám mục vẫn nghĩ còn lâu mới làm, và không biết là bao giờ, nhưng chúa nhật ngày 26 tháng 5 năm 1963, tự nhiên Đức Tổng Giám mục thấy mình trở nên lòa, hầu như mù vậy, chữ viết trên mặt đồng hồ không còn trông thấy nữa, trông ra ngoài sân không còn trông rõ cây và sân cỏ, khi ăn cơm không còn trông rõ bát, bệnh lại tiến lên nhanh lắm, Người nghĩ rằng sẽ mù hẳn... Trong lúc ấy, Người chẳng nghĩ đến việc chạy chữa thuốc men, chỉ nghĩ đến sự truyền chức cho Giám mục Phó, và kêu xin Chúa cho bệnh giảm đi, ít là trông rõ chữ để truyền chức. Sau khi ăn cơm xong mấy phút, bệnh đã giãn ra, Người đã trông rõ như trước, nhưng sợ bệnh trở lại, Người đã vội vàng truyền chức cho Giám mục Phó..."

Tuy sức khỏe kém, nhưng Tổng Giám mục Khuê vẫn tiếp tục điều hành giáo hội tại miền Bắc. Tháng 5 năm 1974, ông được Tòa Thánh mời dự Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, nhưng với lý do sức khỏe, ông đã cử Tổng Giám mục phó Giuse Maria Trịnh Văn Căn đi thay cùng với linh mục thư ký Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang tháp tùng.[51]

Thăng tước Hồng y (1976 – 1978) và qua đời

Phần mộ của Hồng y Giuse Maria Trịnh Như Khuê

Đánh giá cao những nỗ lực của vị Tổng Giám mục Hà Nội, sau khi Việt Nam thống nhất, ngày 28 tháng 4 năm 1976, Giáo hoàng Phaolô VI chọn Tổng Giám mục Trịnh Như Khuê làm Hồng y in pectore và công bố vào ngày 24 tháng 5 cùng năm.[2][3] Việc hoãn công bố chính thức Tân Hồng y Việt Nam là nhằm mục đích chờ vị Hồng y có thể được cấp phép rời Việt Nam đến Rôma và công bố chính thức tại buổi lễ.[3] Thực tế, ông được chính quyền chấp thuận cho xuất cảnh vào những thời hạn gần chót.[52] Hồng y Trịnh Như Khuê là Hồng y đầu tiên của Việt Nam,[53][54] với tước vị Hồng y linh mục nhà thờ San Francesco di Paola ai Monti.[4] Sau khi trở về Việt Nam, Hồng y Khuê tiếp kiến thủ tướng Phạm Văn Đồng vào ngày 31 tháng 8 cùng năm.[55] Ngày 10 tháng 9 năm 1977, ông cùng Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình tham gia Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới.[56]

Ngày 6 tháng 8 năm 1978, Giáo hoàng Phaolô VI qua đời.[57] Sau khi Giáo hoàng qua đời, Hồng y Khuê sang Rôma dự tang lễ và với tư cách thành viên trong Hồng y đoàn, ông dự mật nghị Hồng y bầu Giáo hoàng mới là Giáo hoàng Gioan Phaolô I. Nhưng chưa kịp về lại Việt Nam, tân Giáo hoàng qua đời[58] và Hồng y Khuê ở lại Vatican để tiếp tục tham gia mật viện bầu Giáo hoàng – và lần này là Giáo hoàng Gioan Phaolô II vào ngày 16 tháng 10.[59] Như vậy, Hồng y Trịnh Như Khuê là người đầu tiên của Việt Nam đã tham dự hai lần bầu Giáo hoàng.[60]

Ngày 25 tháng 11 năm 1978, Hồng y Khuê về đến Hà Nội. Tối ngày 26 tháng 11, ông cử hành thánh lễ và chủ sự chầu Thánh thể ở Nhà thờ Lớn Hà Nội. Tối ngày 27, ông đột ngột qua đời, thọ 80 tuổi, sau 28 năm trên cuơng vị Giám mục và hơn 2 năm với tước vị Hồng y. Câu nói cuối cùng của ông trước khi từ giã cõi đời là: Chịu lễ. Cái chết bất ngờ của vị Hồng y làm rộ lên những nghi vấn, nhưng pháp y khẳng định ông bị nhồi máu cơ tim.[1][5] Trong những cuốn sách phát hành của tác giả Lucien Gregoire, ông này trích dẫn Hồng y Trịnh Như Khuê qua đời vì ung thư tế bào tuyến vùng dạ dày, trùng hợp với căn bệnh ghi trên giấy chứng tử của Hồng y Valerian Gracias, cũng qua đời sau Mật nghị Hồng y tháng 8 năm 1978. Một Hồng y khác là Hồng y người Trung Quốc Phaolô Vu Bân cũng qua đời, với lý do bệnh tim sau mật nghị, dù rằng người thân cận của Hồng y này cho biết ông chưa từng có tiền sử bệnh tim và yêu cầu khám nghiệm tử thi.[61] Tác giả Lucien Gregoire viết trong hai quyển sách của mình là Murder in the Vatican: The CIA and the Bolshevik Pontiff và Murder by the Grace of God: The CIA and Pope John Paul I đều trích dẫn những việc này và riêng trong quyển sách thứ hai kể trên, ông này cho rằng những Hồng y này dường như là nạn nhân trong Mật nghị Hồng y năm 1978.[62]

Lễ tang của Hồng y Trịnh Như Khuê được tổ chức vào ngày 30 tháng 11 do Tổng Giám mục kế vị Giuse Maria Trịnh Văn Căn chủ sự cùng đồng tế với 11 Giám mục, 50 linh mục. Hai vạn giáo dân đã đến quảng trường Đức Mẹ Hà Nội tiễn đưa.[5] Mộ phần cố Hồng y đặt tại gian chính nhà thờ chính tòa Hà Nội,[63] ngay dưới bậc tam cấp giữa nhà thờ dẫn lên cung thánh, đó cũng là ước nguyện của ông, nhắc nhở khi giáo dân lên rước lễ, đặt chân lên phần mộ của ông thì hãy nhớ đến ông và cầu nguyện.[64]

Sau khi Trịnh Như Khuê qua đời hơn 20 năm, năm 2000, tên ông được đặt làm tên đường ở Huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Con đường này dài 2,6 km, vốn là một đường xe lửa cũ thuộc tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho ngày xưa.[65]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giuse Maria Trịnh Như Khuê http://www.apostolische-nachfolge.de/vietnam1.htm http://ttntt.free.fr/archive/vusinhhien.html#_ftn1... http://conggiao.info/phan-mo-duc-hong-y-giuse-mari... http://saigonecho.info/main/doisong/tongiao/7942-T... http://danchuausa.net/hiep-thong/con-duong-lua-cho... http://danchuausa.net/hiep-thong/lai-chuyen-dat-da... http://danchuausa.net/luu/duc-gioan-xxiii-voi-bi-m... http://www.truyen-tin.net/ViewDSGM.aspx?ID=7&tabid... http://www.vietcatholic.net/News/Html/73109.htm http://www.catholic-hierarchy.org/bishop/btrnk.htm...